Trong những tác phẩm âm nhạc Việt Nam, đặc biệt là những tác phẩm được sáng tác, chuyển soạn từ các làn điệu dân ca, để có thể chuyển tải được đầy đủ những nét riêng của làn điệu dân ca gốc, cũng như ý đồ nghệ thuật của tác giả trong tác phẩm được chuyển soạn hay sáng tác, đòi hỏi sự kỳ công trong nghiên cứu. Như chúng ta đều biết, những nhạc cụ xuất xứ từ Phương Tây, mỗi nhạc cụ đều có tính năng riêng, kỹ thuật xử lý âm nhạc của cây đàn đã được thế giới nghiên cứu, phát triển và đưa ra những chuẩn mực. Như vậy, muốn thể hiện thành công một tác phẩm Việt Nam trên nhạc cụ phương Tây, người nghệ sĩ phải hiểu rõ về tác phẩm được chuyển soạn, sáng tác như: làn điệu gốc, hoặc bài hát gốc… rồi từ đó tìm những cách thể hiện vừa ra “chất” âm nhạc Việt Nam, đồng thời có những sáng tạo để tôn lên vẻ đẹp của âm nhạc dân tộc, tạo nên nét riêng bởi sự kết hợp thể hiện âm nhạc dân tộc trên nhạc cụ có xuất xứ từ Phương Tây.
Nhạc cụ guitar cũng vậy, cây đàn không phải là nhạc cụ của người Việt Nam, nhưng cùng với thời gian đã trở nên thân thiết, gắn bó với đời sống, tâm tư, tình cảm của người dân, thậm chí đã được Việt hóa thành nhạc cụ thể hiện dân ca Việt Nam,
được gọi là guitar Cải Lương, hay guitar phím lõm.
Trong quá trình phát triển nghệ thuật guitar ở Việt Nam, một số nghệ sĩ guitar đã tự sáng tác, chuyển soạn, tạo nên những tác phẩm guitar Việt Nam, thể hiện trên guitar cổ điển. Do vậy, làm thế nào để thể hiện thành công những tác phẩm âm nhạc này trên đàn guitar, nhạc cụ không phải của Việt Nam. Một trong những điểm cần thiết, đó là người nghệ sĩ khi thể hiện tác phẩm guitar Việt Nam phải hiểu rõ và cảm nhận được hình tượng nghệ thuật của tác phẩm. Mỗi tác phẩm là một “bức tranh” riêng. Tác giả Tô Vũ, Âm nhạc Việt Nam truyền thống và hiện đại, 2002, Viện Âm nhạc, đã viết: “Với một cái nhìn toàn cảnh từ cội nguồn và suốt quá trình lịch sử, truyền thống âm nhạc Việt Nam không phải chỉ có hoặc chỉ là âm nhạc của sắc tộc chủ thể, người Việt. Và ngay trong hiện tại, qua các hình thức giới thiệu hoặc giao lưu âm nhạc truyền thống Việt Nam ở nước ngoài, khán thính giả không chỉ có thưởng thức những điệu du dương thánh thót của các “giọng” Quan họ hay những “lời” năn nỉ thiết tha của cây đàn Bầu người Việt, mà còn cả “suối” đàn T’rưng róc rách, những âm vang huyền bí núi rừng của chiêng cồng Tây Nguyên…”
Âm nhạc Việt Nam thật đa dạng và phong phú. Do đó, để có được những cảm xúc về hình ảnh nghệ thuật trong tác phẩm, người nghệ sĩ guitar phải tìm hiểu về nhạc sĩ sáng tác, đặc điểm sáng tác của nhạc sĩ đó, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm cũng như những yếu tố lịch sử, xã hội.