Xuất hiện kỹ thuật luyến và hoa mỹ giúp mở rộng khả năng thể hiện nghệ thuật cho tác phẩm, có hai ý nghĩa:
+ Trước đây, cây đàn guitar liên quan nhiều đến yếu tố nhảy múa và môi trường đệm cho các vũ công nên chủ yếu chỉ sử dụng kỹ thuật gảy để luôn tạo được âm lượng lớn, đáp ứng vai trò đệm cho nhảy múa. Những nốt luyến không cho âm thanh to mà mang tính chất biểu cảm âm nhạc nhiều hơn, nên việc sử dụng phổ biến kỹ thuật này đã phần nào chứng tỏ cây đàn có những bước tách ra khỏi vai trò đệm để hướng tới độc tấu.
+ Nếu thế kỷ XVI, kỹ thuật barre giúp tay trái tăng cường sức bấm, sự chuyển động các hợp âm dày hơn, giúp nhà soạn nhạc mở rộng được cách tạo hợp âm, thì thế kỷ XVII, kỹ thuật luyến, hoa mỹ giúp tay trái trở nên tinh tế hơn với sự phát triển lực mạnh, khéo léo ở đầu các ngón tay bấm với nhiệm vụ chủ yếu làm mềm hóa câu nhạc, tăng cường sự đa dạng âm thanh cho một nốt nhạc.
VD 1.20:
Thomas Mace (1613-1709), courant, tr.17, 6. [phụ lục trang 171]
Trong ví dụ, các nốt hoa mỹ và trill làm cho âm nhạc không đơn thuần chỉ mang tính chất nhảy múa mà giai điệu truyền cảm hơn rất nhiều, những motip được phát triển tạo nên tính biểu cảm và phù hợp với các vị trí bấm trên cần đàn guitar
Kỹ thuật luyến khó với tốc độ móc tam và trill được dùng nhiều trong tác phẩm.
Sự kiểm soát bàn tay trái được phát triển để thực hiện chính xác hơn ý đồ của tác giả, ổn định hơn trong thể hiện nội dung nghệ thuật qua những luyến láy được viết chính xác trên tác phẩm và đòi hỏi nâng cao về kỹ thuật cho người nghệ sĩ.
VD 1.21:
Gaspar Sanz (1640-1710), Matachin, tr.1, 1. [phụ lục trang 172]
Theo ký hiệu của ví dụ trên thì người nghệ sĩ thực hiện bao nhiêu nốt hoa mỹ trong giới hạn nhịp của nốt chính cũng được, tùy theo trình độ kỹ thuật riêng. Nhưng nếu trình bày như:
VD 1.22:
Gaspar Sanz (1640-1710), Pasacalle, tr.1, 1. [phụ lục trang 173]
Chắc chắn, tất cả các nghệ sĩ phải thực hiện đủ nốt, đúng nhịp, không có sự khác nhau về số lượng nốt và tốc độ giữa những người thể hiện cùng tác phẩm.
Xuất hiện câu chạy ngón tốc độ cao, kỹ thuật này phổ biến và ưa dùng ở thời kỳ sau.
Kỹ thuật tay trái xuất hiện những thế bấm ở vị trí mới so với các giọng điệu thông dụng trước đây, kỹ thuật này là một trong những bước khởi đầu cho sự khai thác mọi vị trí trên phím đàn ở những thế kỷ sau.
VD 1.23:
Robert de Visee (1660-1725), Suite c-moll, Allemande, tr 4, 2. [phụ lục trang 174]
Âm nhạc của J. Bach đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của cây đàn. Trong các tác phẩm của Johann Sebatian Bach như: Lute suite No.1 BWV 996, gigue; Lute suite No.2 BWV 997, double; Lute suite No.4 BWV 1006a, prelude, các điệu nhảy có chuyển động nhanh, đều đặn, liền mạch từ đầu đến cuối bài, các bè có lúc hòa quyện với nhau, có lúc nổi lên, biến hóa, phong phú, liên tục và mạch âm nhạc chỉ ngừng khi kết bài, sự chuyển động liên tục không ngừng nghỉ này là nhân tố phát triển về độ dẻo dai, chính xác của hai bàn tay để phối hợp thực hiện liên tục các loại kỹ thuật khác nhau.
Xem thêm về học đàn guitar tại VTMS