Sự phát triển Opera.
Opera hay còn gọi là “nhạc kịch” được manh nha xuất hiện vào cuối thế kỉ XVI ở nước Ý. Vào năm 1600, J. Peri nhạc sĩ nổi tiếng người Ý cho ra đời vở Opera đầu tiên đó là vở “E’Luridice” tại vùng Florence nước Ý. Có thể nói, đây là một loại hình nghệ thuật tổng hợp, kết hợp giữa âm nhạc, thơ ca, kịch, múa, nghệ thuật sân khấu, phục trang phù hợp với nội dung của vở diễn.
Ban đầu, Opera chỉ được trình diễn trong cung đình, phục vụ các tầng lớp quý tộc châu Âu. Người đầu tiên đưa opera đến với quần chúng là nhạc sĩ Claudio Monteverdi (1567 – 1643) với những vở Opera thần thoại như “Orfer” (1607) và “ Sự trở về của Ulysses” (1640).
Ở nửa đầu thế kỷ XVII, opera không chỉ hình thành và phát triển mạnh ở Florence mà còn dần phát triển rộng rãi ở Mantua, Roman và đặc biệt là ở Venice – nơi đã đưa opera trở thành những vở diễn hoành tráng nhưng lại hết sức gần gũi với khán giả.Từ nước Ý, Opera đã lan tỏa ra các nước châu Âu khác và trở thành mốt thời thượng bấy giờ. Chúng ta có thể nhắc đến các nhạc sĩ xuất sắc như: A. Scarlatti và Claudio Monteverdi ở Ý, J.B.Luily ở Pháp, G.Pursell ở Anh. Các opera này có nội dung về đề tài thần thoại, lịch sử truyền thuyết, được gọi là “Opera trang nghiêm”
Đến thế kỉ XVIII, Opera trang nghiêm dần suy thoái, thay vào đó là sự xuất hiện của opera hài hước với những nội dung thế tục khai thác từ cuộc sống chung quanh, được gọi là opera Buffa với những tác giả nổi tiếng như: G.B.Pergolesi, G.Paisiello, D.Cimarosa. Ở Pháp với F. Filidor, Monsigni, A.Gretry, ở Tây Ban Nha với Tonadilia. Ở Nga với M.Sooclovsky, V.A.Paschevich, M.A.Matinsky, E.I.Fomin. Trong thế kỉ XVIII nhà cải cách vĩ đại nghệ thuật opera là C.W.Gluck ở Đức và W.A.Mozart ở Áo đã phản ánh trong tác phẩm của mình những tư tưởng tiến bộ của thời đại Phục hưng. Họ đã tích cực chống đối thẩm mỹ của opera quý tộc, hình thành bi kịch âm nhạc anh hùng, thấm nhuần những tình cảm cao thượng của nhân dân, đồng thời hoàn thiện những opera mang tính chất kịch tính bằng sự phát triển nhanh chóng và tương phản trong âm nhạc.
Đầu thế kỉ XIX chủ đề anh hùng yêu nước được đề cao trong vở nhạc kịch Fiderio của Beethoven. Tiếp theo đó là tác giả C.M. Weber (nhà soạn nhạc người Đức) với các opera có nội dung dân tộc và hình thức của nghệ thuật opera Đức, đó là những tác phẩm kết hợp giữa opera hài và trữ tình. Kế tiếp sự nghiệp của C.M. Weber là R. Wagner, người có công lớn trong việc cải cách các tác phẩm thanh nhạc – giao hưởng có chương trình đồ sộ. Ngoài ra còn phải kể đến những tác giả tiêu biểu người Ý khác như: G.Rossini (1792– 1868) và đặc biệt phải kể đến nhạc sĩ vĩ đại của opera Ý G. Verdi (1813 – 1901). Opera của ông với nhiều chủ đề phong phú trong các tác phẩm của mình, đó là các chủ đề về anh hùng yêu nước, trữ tình – kịch tính… ngoài ra còn phải kể đến nghệ thuật opera của Nga với những tên tuổi nhạc sĩ S.I. Davudov, C. A. Kavos, đặc biệt là M. Glinka (1804 – 1857) với các tác phẩm opera anh hùng bi kịch lịch sử, đã đánh dấu sự ra đời của nền âm nhạc cổ điển Nga. Kế tục opera cổ điển của Glinka là nhạc sĩ A.S.Dargomyjsky, A.P.Borodin (1833 – 1887), M.P.Mussorgsky (1859 – 1881) và một trong những hiện tượng vĩ đại của lịch sử âm nhạc sân khấu thế giới – đó là nghệ thuật âm nhạc của Tchaikovsky (1840 – 1893).
Cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỷ XX ở châu Âu, xuất hiện trào lưu “chủ nghĩa tả chân” với những nhạc sĩ tài năng như P.Mascagni (1863 – 1898), R.Leoncavallo (1857 – 1919), đặc biệt là G. Puccini (1858 – 1924) với những tác phẩm kịch tính căng thẳng phản ánh từ cuộc sống của những con người bình dân.