Sức lôi cuốn với âm nhạc đối với trẻ nhỏ là điều không thể chối cãi, người lớn cũng cần có âm nhạc để làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn.
Đôi khi những liên tưởng đến khối lượng thời gian bỏ ra cho việc rèn luyện mà những người hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp thường nói tới khiến người có ý định học nản lòng. Cái được gọi là “hy sinh vì nghệ thuật” có lẽ cũng chưa được hiểu và diễn đạt một cách đầy đủ, chính xác. Hành động nào được gọi là một sự hy sinh? Nếu coi hy sinh là việc từ bỏ một quyền lợi cá nhân vì ai hay một mục đính cao cả nào đó thì rõ ràng ở đây ta chẳng thấy ai hy sinh vì ai hay vì cái gì cả! Mặt khác thì việc đi làm một ngày tám tiếng ở những lĩnh vực khác sẽ được coi là gì? Đó là còn chưa tính đến những lúc tăng ca hoặc ngoài giờ.
Xem thêm:
Trường nhạc Việt Thương
Phải chăng các nghệ sĩ chuyên nghiệp miệt mài rèn luyện vì chính sự thỏa mãn nào đó mà âm nhạc đem lại cho họ. Phải chăng nên gọi đó là sự thụ hưởng và niềm đam mê mà họ không từ bỏ được? Như vậy, nên chăng ta cũng thay đổi quan điểm “khổ luyện” bằng “sướng luyện”?
Có lẽ âm nhạc, với đặc thù tiết tấu, làn điệu và hòa âm, là một phương tiện hữu hiệu và gần với bản chất tự nhiên của con người nhất để giúp mỗi cá nhân có thể thăm dò khám phá những góc cạnh và chiều sâu cảm xúc trong tâm hồn mình, qua đó có một nhận thức sâu sắc hơn về chính họ.
Với người yêu nhạc, những giây phút gặp gỡ âm nhạc luôn là những thời khắc được trân trọng. Như Triết gia Đức Friedrich Nietzsche từng nói “Không âm nhạc, cuộc sống là một sai lầm”. Qua âm nhạc, người trình tấu có thể phó thác tâm trạng, tư duy hay bước vào những cuộc đối thoại bất tận của cảm xúc với các nhạc sĩ qua những tác phẩm âm nhạc bất hủ. Một thế giới đẹp đến phi thực luôn chờ đợi để hiện lên sống động khi được chạm vào, khiến những ai từng trải nghiệm luôn muốn trở lại để chiêm ngưỡng, thụ hướng.