Có thể thấy hệ thống giáo trình Violon hiện nay tuy còn chưa đầy đủ và mang tính giáo khoa hoàn thiện song đó là những nỗ lực to lớn của nhiều thế hệ nhà giáo và các nghệ sỹ… việc biên soạn giáo trình thành từng cấp đào tạo không chỉ từng bước hoàn thiện kỹ thuật Violon chuyên nghiệp mà đồng thời cũng là từng bước nâng cao nhận thức của người học.
Qua khảo sát ở một số cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp, tài liệu dạy học Violon hiện nay chủ yếu là tài liệu, giáo trình của Liên Xô cùng với sự trợ giúp, đóng góp của chuyên gia Liên Xô thời ấy. Cho đến nay hệ thống giáo trình đó vẫn còn nguyên giá trị và được các giảng viên tiếp tục sử dụng trong việc giảng dạy Violon tại các trung tâm đào tạo chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, một số nhạc sỹ, giảng viên đã biên soạn một số tác phẩm Việt Nam, bài tập, bài giảng bằng việc đúc kết kinh nghiệm trong quá trình học tập, biểu diễn của mình.
Về chương trình và tài liệu dạy học của các tác giả nước ngoài đã được thể hiện trong chương trình đào tạo do Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam, Trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội biên soạn,… (phần phụ lục). Trong phạm vi nghiên cứu của đề tài, không thể không nhắc đến chương trình và tài liệu dạy học là những tác phẩm Việt Nam viết cho đàn Violon:
Với trên dưới 100 tác phẩm Việt Nam viết cho Violon độc tấu và hoà tấu thính phòng, không chỉ là những bài học kỹ thuật bổ ích mang tính giáo khoa phục vụ cho sự nghiệp đào tạo nghệ sỹ Violon và đàn dây chuyên nghiệp mà thực sự đã trở thành một bộ phận của đời sống âm nhạc xã hội, phát huy các tính năng ưu việt của một nhạc cụ có nguồn gốc xuất xứ từ phương Tây trở thành một phương tiện chuyển tải những cung bậc tình cảm phong phú và đa dạng của đời sống tâm hồn Việt Nam hiện đại và đương đại, góp phần đáng kể vào sự nghiệp xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời đại mới.
Khóa học đàn violin
Khi nghiên cứu và phân tích các tác phẩm viết cho đàn Violon của các nhạc sỹ Việt Nam, chúng tôi nhận thấy tính giai điệu chịu ảnh hưởng sâu sắc truyền thống ca hát dân tộc
Đây là đặc trưng nổi bật và rõ nét nhất, rất dễ dàng nhận thấy không chỉ đối với các tác phẩm khí nhạc Việt Nam hiện đại nói chung mà còn được đặc biệt thể hiện trong nhiều tác phẩm viết cho đàn dây cũng như Violon nói riêng. Là nhạc cụ có ưu thế dường như tuyệt đối về việc biểu diễn giai điệu, cây đàn Violon đã rất nhanh chóng trở thành phương tiện thể hiện các truyền thống tư duy thẩm mỹ âm nhạc trong lối ca hát dân tộc mà các thế hệ nhạc sỹ Việt Nam hiện đại đã không bỏ lỡ cơ hội, cũng như chính họ đã chịu ảnh hưởng sâu sắc từ trong máu thịt của mình qua các bài dân ca, qua những câu hò, điệu lý. Căn cứ trên tính chất giai điệu của những tác phẩm Violon Việt Nam, chúng tôi có thể sắp xếp theo các nhóm giai điệu sau:
+ Nhóm các bài dân ca chuyển biên, chuyển soạn:
Bao gồm các bài hát dân ca truyền thống được lưu truyền và phổ biến rộng rãi trong đời sống xã hội trên phạm vi cả nước. Số lượng bài bản theo nhóm giai điệu này chiếm tỷ lệ không lớn trong danh mục các tác phẩm Việt Nam viết cho đàn Violon, chủ yếu được sử dụng trong giáo trình giảng dạy Violon ở bậc sơ cấp với mục đích, bên cạnh việc học tập và rèn luyện kỹ thuật ban đầu, thì các tác phẩm này còn hỗ trợ tích cực cho đội ngũ nghệ sỹ Violon tương lai trong việc rèn luyện tâm hồn trong truyền thống thể hiện và cảm thụ âm nhạc dân tộc đối với mỗi tác phẩm, mỗi bài dân ca. Cùng với việc giữ nguyên giai điệu của bài bản, các tác giả mà thông thường đều là những giảng viên, những nghệ sỹ trực tiếp giảng dạy và biểu diễn Violon thường viết thêm phần đệm (Piano, Violon, Guitare…) để giúp học sinh cũng như việc biểu diễn các tác phẩm trên thêm phần hiệu quả thông qua các thủ pháp xử lý hoà thanh dân tộc một cách sáng tạo và có chủ đích.
+ Nhóm lấy bài dân ca hoặc chủ đề dân ca để cải biên, biến tấu, phát triển: Đây có thể được coi là bước phát triển thứ hai, cũng là phương thức thường gặp trong thủ pháp sáng tác của các nhạc sỹ Việt Nam viết cho đàn Violon. Ở hình thức này, giai điệu nguyên bản của bài hát đã được cắt bỏ, lược bớt và thậm chí nhiều tác giả chỉ lấy hoặc giữ lại chủ đề của bài hát để làm hạt nhân xây dựng và phát triển giai điệu trên cơ sở bám sát với chủ để đã được lựa chọn.
Với hình thức sáng tác này, các tác phẩm viết cho Violon đã dần từng bước thoát ly tính giai điệu có sẵn của bài bản nguyên gốc để hình thành tính chất nhạc đàn chuyên nghiệp. Người nghe vẫn cảm nhận được hình tượng trong giai điệu, song đó là một thứ hình tượng đã được bồi đắp, đã được thêu dệt bằng các thủ thuật biến tấu, phát triển phù hợp với logic của tư duy thẩm mỹ cũng như theo logic của kỹ thuật sáng tác mới mà người nghệ sỹ, nhạc sỹ Việt Nam đã học tập và tiếp thu từ truyền thống sáng tác của các trường phái âm nhạc cổ điển Châu Âu. Cũng nhờ đó, các tính năng ưu việt của cây đàn Violon ngày càng được khai thác, phát huy.