Hiện nay, khi xã hội ngày càng phát triển, với nhu cầu được phát triển toàn diện, làm phong phú hơn đời sống tinh thần của các em nên nhiều phụ huynh tìm đến với bộ môn piano. Đặc biệt là ở các quận đang phát triển hiện nay trên thành phố Hà Nội thì nhu cầu này ngày càng tăng cao. Do đó, để đáp ứng nhu cầu học piano của phụ huynh và học sinh trong lứa tuổi tiểu học, thì ngoài những trường đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp ra thì các Trung tâm hay câu lạc bộ năng khiếu mở ra ngày càng nhiều. Mục tiêu mà các Trung tâm năng khiếu muốn hướng tới đó là dạy học và đào tạo các bộ môn năng khiếu với đối tượng học sinh không chuyên, tạo cho các em có được cơ hội để tiếp cận gần hơn với các bộ môn năng khiếu để từ đó hình thành và phát triển khả năng của cá nhân. Hiện nay, với thời đại của công nghệ thông tin, để học piano, ngoài những phương pháp truyền thống là đưa con đến trường học thì phụ huynh có thêm nhiều lựa chọn như cho con học trên mạng, tự mua các giáo trình học online, mua sách tự học,…
Các phương pháp trên có nhiều ưu điểm như: Ít tốn kém hơn về mặt tiền bạc, tiết kiệm thời gian đi lại, công sức đưa đón con đi học cũng như có thể chủ động về thời gian học,… nhưng lại gặp phải những khó khăn khác như: Học sinh không tự giác học tại nhà, không có không gian và môi trường học tập phù hợp để học sinh có nguồn động lực trong học tập,… Cộng thêm việc có nhiều kiến thức cần sự giải thích và hướng dẫn kỹ lưỡng từ phía giáo viên, hay gặp những chỗ khó hiểu, học sinh cần có người chỉ bảo thì lại không có. Hay như việc học trong sách hay giáo trình online không có sự tương tác giữa thầy và trò do đó gây ra sự nhàm chán và không hiệu quả.
Hiểu được điều đó, nhiều bậc phụ huynh vẫn trung thành với phương pháp học truyền thống là đưa con đến với các trung tâm hay câu lạc bộ dạy học âm nhạc để tìm kiếm giáo viên và môi trường đào tạo phù hợp với con em mình. Các trung tâm hay câu lạc bộ năng khiếu hiện nay mở ra đa số dạy học rất nhiều bộ môn năng khiếu như: Thanh nhạc, mỹ thuật, dance sport, đàn piano, đàn organ, đàn guitar,… Với mức học phí vừa phải cộng với việc đăng ký học khá dễ dàng, đây là những địa chỉ mà rất nhiều phụ huynh tìm đến. Ngoài ra, không ít những thầy cô dạy học đàn tự mở lớp tại nhà, do đó việc kiểm soát chất lượng dạy học, phương pháp dạy học cũng như giáo trình còn là điều khó khăn.
Độ tuổi tốt nhất để cho con học đàn piano
Kinh nghiệm học piano thành công cho người lớn tuổi
Với tâm lý chung muốn con phát triển toàn diện, tuy nhiên nhiều phụ huynh lại không thật sự chú trọng đến việc học đàn của con. Qua quá trình dạy học và tiếp xúc với nhiều phụ huynh học sinh, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều phụ huynh thật sự quan tâm đến việc học piano của con. Ngoài việc đưa đón con đi học, họ tìm hiểu thêm thông tin trên mạng hoặc hỏi giáo viên các kiến thức có liên quan để có thể về học cùng và nhắc nhở con học tập thêm. Vì đặc điểm của môn học mang tính thực hành cao nên việc có được sự quan tâm và nhắc nhở thường xuyên của phụ huynh sẽ giúp cho học sinh học tập tốt hơn.
Đối với học sinh đang ở lứa tuổi phát triển, các em cần có được sự nhắc nhở thường xuyên của bố mẹ về tư thế đặt tay, tư thế ngồi hay việc cân đối thời gian để luyện tập piano hàng ngày. Việc đến lớp học 1 tuần từ 1 – 2 buổi không thể giúp các em có được những kỹ năng trong việc học piano mà cần được thực hiện thường xuyên ở nhà, kết hợp với sự hướng dẫn của giáo viên thì việc học piano mới mang lại hiệu quả cao. Nhận biết được điều đó, nhiều phụ huynh kiên nhẫn tìm hiểu để học cùng con, động viên và khuyến khích con học tập, hiểu được bộ môn này mang tính nghệ thuật và năng khiếu cao, không phải học sinh nào cũng có khả năng cảm thụ để học nhanh ngay từ đầu do đó việc phối hợp giữa giáo viên và phụ huynh trở nên nhịp nhàng hơn.
Ngược lại, cũng có phụ huynh coi piano chỉ là bộ môn mang tính giải trí đơn thuần, họ cho con đi học để con biết chơi đàn, để không thua thiệt so với các bạn khác. Họ không thật sự quan tâm đến việc học đàn của con, giao phó hoàn toàn trách nhiệm cho giáo viên và để mặc cho con tự phát triển, con thích thì con học, con không thích thì thôi khiến cho giáo viên rất khó khăn trong việc dạy học cho những học sinh này. Nắm bắt được tâm lý đó của phụ huynh, nhiều trung tâm âm nhạc được thành lập mà không thông qua khâu kiểm duyệt chất lượng đào tạo cũng như trình độ của giáo viên.
Các trung tâm này thuê giáo viên là các sinh viên hiện còn đang đi học với chi phí rẻ, đồng thời áp dụng phương pháp học vẹt, truyền tay để học sinh nhanh thuộc và đánh được nhiều bài, phụ huynh nhìn thấy con chơi được nhanh lại rất tin tường, cứ nghĩ con học có hiệu quả. Chính những điều này đã gây ra những tiêu cực không đáng có và làm giảm sự tin tưởng của các bậc phụ huynh về các trung tâm năng khiếu hiện nay. Ngoài các trung tâm năng khiếu ra thì trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng có nhiều hình thức và địa điểm dạy học piano khác như: Tại các trường học tiểu học công lập và dân lập, tại các nhà văn hóa,…